Fair Use – Khi bạn có thể sử dụng nhạc bản quyền và không vi phạm quyền tác giả

Câu chuyện bản quyền trong ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề tốn nhiều giấy mực nhất trong ngành. Nếu như bạn không phải là luật sư hay yêu thích về luật thì chắc hẳn cũng không có động lực để ngồi lại và nghiên cứu vấn đề này. Có lẽ vì thế mà đã có nhiều trường hợp vô tình (hoặc cố ý) vi phạm bản quyền và gây ra nhiều hậu quả không đáng có cho những người đang hoạt động trong ngành âm nhạc nói chung. 

Tiếp nối câu chuyện về bản quyền trong âm nhạc, khái niệm “Fair Use” (hay “Sử dụng hợp lý”) trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng là một khái niệm rất quan trọng nhưng thường bị nhiều người hiểu nhầm. Vậy, nếu bạn đang tò mò về chủ đề “nóng bỏng tay” thì hãy đọc bài viết này nhé!

Trong bài viết này, Soundaholic đã nghiên cứu và tổng hợp lại những thông tin hữu ích về Fair Use và sẽ phân tích sự khác nhau giữa Fair Use tại Mỹ và Việt Nam để mọi người có một góc nhìn đa chiều hơn. 

Đầu tiên, thế nào là Fair Use?

Trước khi mình đi xa hơn, Soundaholic chỉ muốn bạn rõ là bạn không cần phải khai báo sản phẩm âm nhạc của bạn là “Fair Use” vì đây là một điều khoản dùng để bảo vệ bạn khi có kiện cáo xảy ra. Tuy nhiên, đừng vì thế mà xem thường nó! Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà nhỉ?

Theo định nghĩa, Fair Use là một điều khoản trong bộ luật liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ nhưng nói 1 cách dễ hiểu thì Fair Use là những trường hợp ngoại lệ khi bạn sử dụng những bài nhạc có bản quyền không cần xin phép tác giả và không xâm phạm đến quyền tác giả. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng với Soundaholic, chúng mình sẽ đơn giản hóa chủ đề này để các bạn không học luật và vẫn có thể hiểu (tụi mình hy vọng thế!).

Để sản phẩm của bạn được xem là “Sử dụng hợp lý”, bạn phải đảm bảo được 4 yếu tố sau: mục đích của sản phẩm được đăng ký bản quyền, loại hình của sản phẩm đó, số lượng được sử dụng trong sản phẩm và liệu sản phẩm của bạn có gây ra thiệt hại gì cho sản phẩm gốc hay không. 

Hãy cùng Soundaholic tìm hiểu về từng yếu tố qua những câu hỏi sau nhé.

Câu hỏi 1: Bạn sử dụng bài nhạc gốc cho mục đích thương mại hay phi lợi nhuận?

Nếu bạn muốn sử dụng tác phẩm âm nhạc của một nghệ sĩ nào đó mà không cần phải xin phép tác giả, điều đầu tiên bạn cần làm là cân nhắc về mục đích của việc sử dụng. Liệu bạn sao chép một (hoặc một phần) của bài hát để lưu giữ lại khi cần hay bạn muốn đăng lên mạng và bán bản sao chép đó? Nếu bạn muốn “kiếm thêm thu nhập” từ việc sao chép và bán những bản sao đó thì hãy dừng lại trước khi vi phạm bản quyền vì đó không được xem là “sử dụng hợp lý” đâu nhé. 

Ngoài ra, sản phẩm của bạn có thể xem là “sử dụng hợp lý” nếu như bạn thêm những yếu tố mới và không gây hiểu nhầm đến sản phẩm gốc mà bạn sử dụng. Để cho bạn để hình dung, Soundaholic sẽ lấy một ví dụ khá nổi tiếng tại Mỹ mà nhiều người học về Kinh doanh âm nhạc hay luật đã từng nghe qua: Campbell v. Acuff-Rose Music, 510 U.S. 569 (1994). 

Về cơ bản, đây là một vụ kiện tụng kinh điển khi 2Live Crew muốn sử dụng lời của bài hát “Oh, Pretty Woman” cho bài rap của họ trong khi đơn vị sở hữu bản quyền của bài nhạc gốc là Acuff-Rose Music lại không đồng ý. Kết quả là 2Live Crew đã thắng vụ kiện này với lí do tác phẩm “Pretty Woman” của 2Live Crew là một tác phẩm parody nên được cân nhắc là “Fair Use”. 

Bạn có thể đọc thêm về case này tại đây.

Câu hỏi 2: Bạn muốn sử dụng những tác phẩm mang tính sáng tạo cao hay những tác phẩm liên quan đến sự thực tế?

Về cơ bản, những quy định về bản quyền được đặt ra để bảo vệ sự sáng tạo của người tạo ra nội dung. Vì thế, những tác phẩm mang tính sáng tạo cao như tiểu thuyết, nhạc, hay phim sẽ cần cân nhắc rất kỹ để chứng tỏ đó là “Fair Use”. Ngược lại, những sản phẩm dựa trên sự thật hay điều hiển nhiên sẽ dễ được xem là “sử dụng hợp lí” hơn.

Sẽ thật vô lý nếu như những sự thật có thể được đăng ký bản quyền đúng không?

Câu hỏi 3: Bạn muốn sử dụng một phần của bài nhạc, hay 1 đoạn giai điệu hay toàn bộ bài hát?

Đối với một số người, họ dùng “Fair use” với lí do như sau: “Tui chỉ sử dụng vài nốt trong giai điệu thôi thì đâu có sao đâu.” Trong một số trường hợp thì đó có thể được xem là “Fair Use” nhưng đã có nhiều trường hợp “dở khóc dở cười” khi không được xem là “Fair Use.”

Lí do của điều “tưởng chừng như là phi lý” này là đối với 1 số bài hát, chỉ cần một vài nốt trong giai điệu đã thể hiện hết 1 bài hát rồi. Nói nôm na thì bạn cần phải quan tâm về số lượng và chất lượng khi sử nhạc những bài nhạc có bản quyền nữa đó!

Câu hỏi 4: Liệu sản phẩm của bạn khi bao gồm sản phẩm gốc có làm ảnh hưởng đến tác phẩm gốc hay gây ra sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng không?

Mới nghe thì có vẻ như mình cần 1 nhà kinh tế để có thể giải quyết phải không nè? Thật sự là bạn sẽ không cần 1 nhà kinh tế đâu nhưng bạn sẽ cần 1 người luật sư giỏi để có thể giúp bạn đưa ra những cân nhắc hợp lý nhé. Tóm gọn lại là bạn sẽ cần cân nhắc xem việc bạn sử dụng bài hát của 1 tác giả khác thì liệu khán giả có bị nhầm lẫn giữa 2 tác phẩm hay không. Nếu câu trả lời là không thì bạn (tạm) an toàn nhé. 

Đối với những chủ đề gây tranh cãi như thế này thì tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của luật sư để tránh vướng vào những kiện tụng tốn kém nha.

Tất cả những thông tin trên là những điều các bạn cần biết về “Fair Use”. Như vậy, Việt Nam ứng dụng “Fair use” như thế nào?

Có thể mọi người nghĩ rằng Việt Nam chưa có “Fair Use” và chưa đặt vấn đề này lên hàng đầu. Tuy nhiên, Soundaholic đã nghiên cứu từ Cổng thông tin điện từ của Quốc hội cũng như tham khảo Luật Sở hữu trí tuệ và nhận thấy rằng Việt Nam đã có những quy định chi tiết về “Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả” tại điều 25 (tham khảo tại đây)

Về những điểm giống nhau, Soundaholic nhận thấy rằng trong điều 25 trong Luật Sở hữu trí tuệ, phần lớn những trường hợp ngoại lệ đều xuất phát từ việc không vì mục đích thương mại. Bên cạnh đó, nếu bạn sử dụng một bài hát vì mục đích liên quan đến giáo dục, nghiên cứu khoa học, hoặc trong các hoạt động thư viện. Ngoài ra, việc sử dụng những tác phẩm khác với mục đích thời sự cũng được xem là những ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả. 

Còn về sự khác nhau giữa “Fair Use” tại Việt Nam và tại những nước khác trên thế giới thì chắc chắn sẽ có vì mỗi nước đều có 1 bộ luật riêng. Vì thế, nếu bạn là 1 nghệ sĩ độc lập thì Soundaholic khuyên bạn nên tìm kiếm những đơn vị luật sư hoặc tự tìm hiểu những vấn đề liên quan đến luật bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về “Fair Use” và cách ứng dụng của nó. Soundaholic cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này và hy vọng sẽ gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *